Menu
DoiDo.vn - Sàn trao đổi đồ cũ mới
0
Bạn đang có sản phẩm dư không dùng ?
Bạn đang ở:

Mua bán, trao đổi đồ cũ: trend của người trẻ

Thứ hai - 07/12/2020 05:35
Bên cạnh việc tiết kiệm tiền bạc so với mua đồ mới thì thói quen dùng đồ cũ được nhiều bạn trẻ thích sống xanh ưa chuộng. Đáp ứng trend (xu hướng) này, có rất nhiều kênh mua bán, trao đổi những món đồ cũ xuất hiện.
Mua bán, trao đổi đồ cũ: trend của người trẻ
Mục lục

“Mình có một ít váy đầm xinh xinh, có cái chỉ mặc vài lần, do tủ đồ chật nên muốn pass (sang nhượng) giá “hạt dẻ” (rẻ). Tối nay 19h mình livestream (phát sóng trực tiếp) nhé”. Đó là dòng thông báo trên trang Facebook cá nhân của Lê Thu Hương (25 tuổi, quận Bình Thạnh. TP.HCM).

Sử dụng quần áo cũ giúp vòng đời của quần áo kéo dài hơn, tiết kiệm tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường vì mình biết được ngành nhuộm là một trong những ngành gây ô nhiễm rất nhiều. – THÙY LINH

Chừng nào chán, pass lại nha

Vốn là cô gái được bạn bè biết đến với phong cách thời trang “chất” nên livestream của Hương được nhiều bạn bè vào “đặt chỗ”. Mặc trên người các món đồ cần thanh lý và trả lời các thắc mắc của người xem trên livestream, chỉ sau 20 phút Hương đã thanh lý hết số quần áo, váy đầm của mình.

Hương cho biết là người kỹ tính trong ăn mặc nên các mẫu quần áo đều được Hương lựa chọn kỹ, không đụng hàng, giá mua mới 400.000 – 800.000 đồng/món. Giờ Hương thanh lý lại giá 50.000 – 250.000 đồng/món, mới từ 80%.

“Mình làm bên ngành truyền thông, phải đi gặp đối tác nhiều nên thường xuyên đổi trang phục. Thỉnh thoảng mình pass lại đồ để dọn tủ. Mình cũng thường xuyên mua đồ cũ của bạn bè, như vậy vừa tiết kiệm tiền vừa thay đổi được phong cách liên tục” – Hương cho biết.

Chọn mua hai chiếc đầm của Hương, Nguyễn Kim Nguyên (26 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết cô thường xuyên mua lại đồ cũ của bạn bè, nhất là từ các cô gái có gu ăn mặc đẹp như Hương.

“Đồ cũ của mấy bạn gái xinh xinh mà pass là hết nhanh lắm. Hơn nữa chủ nhân món hàng là bạn bè mình nên yên tâm hơn. Có cô bạn mỗi lần đi chơi chung mặc đầm nào xinh xinh, tụi mình còn dặn khi nào mặc chán thì pass lại” – Nguyên cười vui.

Ngoài quần áo, Nguyên cũng thường mua đồ thanh lý là giỏ xách, mỹ phẩm, giày dép…

Bên cạnh livestream, nhiều người tỉ mỉ chụp hình trang phục để đăng cũng như vào các hội nhóm để thanh lý.

Đặng Thị Thùy Linh (29 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Đồ thanh lý thường còn khá mới, ít đụng hàng, giá lại rẻ. Mình có thói quen không mặc một món đồ quá nhiều lần nên việc mua đồ cũ sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền”.

Sôi nổi các phiên chợ

Cuối tuần, phiên chợ đồ cũ ở quận 2 (TP.HCM) với 20 gian hàng thu hút rất đông bạn trẻ đến bán cũng như mua đồ.

Hạnh Dung (30 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) sau một buổi sáng bán hết 60% số váy đầm, quần áo mang đến phiên chợ. Dung bán 50.000 đồng/hai món đồ. “Đây là quần áo của mình, một số là của bạn bè gửi” – Dung nói. Số tiền sau một ngày bán đồ Dung đóng góp vào các quỹ bảo vệ môi trường.

Cùng một người bạn đến phiên chợ đồ cũ, sau một hồi ngắm nghía, Nguyễn Thị Thúy Hạnh (20 tuổi, sinh viên) mua được chiếc đầm với giá 50.000 đồng và ba cuốn sách học tiếng Anh giá 60.000 đồng.

Cùng với các phiên chợ được tổ chức định kỳ hằng tuần, hằng tháng, người trẻ còn có thể mua đồ cũ ở các shop, nhà kho ký gửi. Sau vài năm, nhà kho ký gửi của Phương Linh (27 tuổi, TP.HCM) đã có ba chi nhánh ở quận 3, Thủ Đức và Bình Thạnh.

Lan tỏa sống xanh qua chợ đồ cũ, tái chế

Trần Hữu Kỳ Duyên (20 tuổi), quản lý dự án của Lại đây Refill Station – đơn vị tổ chức các phiên chợ đồ cũ – cho biết phiên chợ đồ cũ được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần để người trẻ có nơi giao lưu với nhau.

“Ở đây tụi mình không thu phí gian hàng của người bán. Bạn nào có đồ cũ nhưng không có thời gian đến bán thì sẽ ký gửi và tụi mình tìm các bạn tình nguyện viên bán giúp” – Kỳ Duyên cho biết.

Theo bạn trẻ này, sau mỗi phiên chợ người bán sẽ tùy tâm đóng góp một phần tiền cho quỹ bảo tồn rùa biển cũng như quỹ trồng cây.

“Bên cạnh các phiên chợ đồ cũ, hằng tháng tụi mình còn tổ chức thêm các chương trình dạy làm đồ tái chế với mong muốn cùng nhau lan tỏa lối sống xanh” – Kỳ Duyên nói.

Theo Minh Phượng – Tuổi Trẻ Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Những tin mới hơn
Danh mục Blog
Bài viết xem nhiều
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây